Nối lại đơn hàng xuất khẩu lao động

Dù vẫn đang hoạt động theo hình thức online nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và cả người lao động đang vui mừng bởi dịch bệnh đã được khống chế.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều địa phương mở cửa hoạt động bình thường cũng là lúc các doanh nghiệp (DN) dịch vụ đưa người lao động (NLĐ) ra nước ngoài làm việc phấn khởi. Cả NLĐ và DN đang mong ngóng từng ngày để thực hiện các bước còn lại cho hành trình ra nước ngoài làm việc của mình. Trong đó, các DN gấp rút nối lại đơn hàng để chuẩn bị cho bước phỏng vấn đơn hàng và làm hồ sơ xuất cảnh cho những lao động bị mắc kẹt do dịch bệnh.

Doanh nghiệp phấn khởi

Sau nhiều tháng đóng cửa, mới đây, ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động (XKLĐ) Mai Linh (quận 7, TP HCM), đã cho dọn dẹp, bố trí lại khu văn phòng làm việc, khu đào tạo để chuẩn bị đón học viên trở lại. Dù đóng cửa từ tháng 5-2021 nhưng Trung tâm XKLĐ Mai Linh vẫn duy trì được khâu tuyển dụng, đào tạo bằng hình thức trực tuyến và giữ liên lạc với các đối tác. “Chúng tôi thực hiện nghiêm các chỉ thị phòng chống dịch của thành phố và giờ đang vui mừng khi dịch bệnh được khống chế. Tuy nhiên, khâu đào tạo trực tiếp còn phải chờ, học viên thì đa số đang ở quê. Khó khăn mà chúng tôi gặp phải hiện nay là ở quê tỉ lệ tiêm vắc-xin còn ít, nên học viên chưa đủ mũi tiêm để vào TP HCM” – ông Bình thông tin.

Mong muốn của ông Bình và các DN phái cử là nhà nước nhanh chóng tiêm vắc-xin cho NLĐ để họ đủ điều kiện quay lại học trực tiếp. Đặc thù của ngành XKLĐ là NLĐ có nhiều môn phải học trực tiếp mới đáp ứng điều kiện để xuất cảnh. Trong khi chờ mọi thứ bình thường trở lại, ông Bình cùng DN của mình tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo để nâng chất NLĐ trước khi xuất cảnh. Ông Trịnh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tokyo – VNJ (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết chỉ còn 2 tháng rưỡi nữa là kết thúc năm 2021 – một năm quá khó khăn cho mọi lĩnh vực, trong đó có XKLĐ. Theo ông Vũ, kể từ năm 2020, XKLĐ đã gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng năm nay mới là khó khăn nhất. Tuy nhiên, vì thiếu hụt nguồn nhân lực, nhiều đối tác của công ty ở Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn luôn duy trì, thậm chí mở rộng trong hoạt động tuyển dụng. “Chúng tôi liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh tại Việt Nam cho các đối tác để cùng nhau phối hợp tuyển dụng. Nếu tình hình tiến triển như hiện tại, có thể tháng cuối năm và những tháng đầu năm sau, XKLĐ sẽ khả quan” – ông Vũ tự tin.

Điểm chung lo lắng của các DN phái cử là tốc độ tiêm vắc-xin tại các tỉnh. Học viên đi XKLĐ đa số là người ở tỉnh và về quê từ trước khi dịch bùng phát, nhiều người chưa được tiêm mũi nào, số được tiêm mũi 1 thì chưa biết khi nào được tiêm mũi 2. Trong khi đó, vắc-xin là “giấy thông hành”cho việc đi lại, đến TP HCM và cả điều kiện xuất cảnh.

Văn phòng tuyển sinh của nhiều công ty xuất khẩu lao động đã mở cửa đón người đến tìm hiểu chương trình

Người lao động cần cảnh giác

Chị Lê Thị Quý (26 tuổi, quê Bình Phước), ứng viên đi đơn hàng chế biến thực phẩm tại Nhật Bản, đang mong chờ được tiêm mũi thứ 2 để sớm quay lại TP HCM. Chị Quý cho biết sẽ được xuất cảnh trong tháng 12 tới đây nếu qua các môn thực hành. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, đã 3 lần chị Quý liên lạc với công ty dịch vụ nhưng chưa thấy tín hiệu nào khả quan. Người phụ trách cho biết đang nghỉ do dịch nên chưa nắm được tình hình đơn hàng.

“Tôi vui vì cuối cùng dịch bệnh cũng được kiểm soát nhưng giờ rất lo vì thái độ của công ty phái cử. Họ không nhiệt tình hỗ trợ như lúc đầu khiến tôi và nhiều học viên cảm thấy bất an. Giờ chỉ chờ được lên TP HCM để đến công ty nghe ngóng xem sao” – chị Quý lo lắng.

Ông Đinh Thanh Bình cho biết đang có hiện tượng các DN XKLĐ gặp khó khăn tìm cách duy trì hoạt động bằng các đơn hàng ảo. Họ trưng ra những hợp đồng có thể không có thật để tuyển dụng với các chiêu tuyển dụng lao động đi Nhật, đi Hàn 0 đồng, hỗ trợ mùa dịch… để thu hút NLĐ. Khi vào đơn hàng thì họ sẽ tạo nhóm để học online và thu tiền. “Số tiền thu của mỗi người không nhiều nhưng họ tuyển được số lượng lớn nên cũng thu kha khá. Nếu đơn hàng không có thật thì NLĐ sẽ bị thiệt. Vì thế, NLĐ cần tìm đến những DN uy tín để tránh “tiền mất tật mang” – ông Bình cảnh báo.

Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc vừa ra thông báo chính thức áp dụng một số thay đổi trong chính sách lao động mẫu mực thuộc Chương trình EPS. NLĐ mẫu mực sau khi về nước 1 tháng có thể được tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc tiếp 4 năm 10 tháng. Chủ lần đầu sử dụng lao động nước ngoài bắt buộc phải tham gia lớp đào tạo định hướng kéo dài 6 giờ về pháp luật liên quan, nhân quyền… để bảo vệ NLĐ.

NHẬN TƯ VẤN